Nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng học đường, sáng ngày 29/4/2025, học sinh trường THCS Phú Mỹ đã tham gia hoạt động vệ sinh lao động, dọn dẹp khuôn viên trường lớp và môi trường xung quanh.
Dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo và nhân viên Y tế trường, học sinh đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực như: lật úp các vật chứa nước đọng lâu ngày và làm sạch các khu vực dễ phát sinh muỗi như chậu cây cảnh, hộc bàn, gầm cầu thang...
Hoạt động không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mà còn góp phần tạo nên không gian học tập xanh - sạch - đẹp và an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.
Song song với công tác lao động, nhà trường cũng tổ chức tuyên truyền thông qua loa phát thanh, pano, khẩu hiệu và các buổi sinh hoạt dưới cờ nhằm cung cấp kiến thức cho học sinh về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
Dưới đây là nội dung bài tuyên truyền và hình ảnh học sinh tham gia vệ sinh lao động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
1. Sốt xuất huyết là gì, nguyên nhân của bệnh, cách lây truyền:
- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn có tên là Aedes aegypti ( An-des-ê-gyp-ti)đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
- Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà.
- Muỗi vằn hoạt động hút máu và ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều
2. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:
- Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
- Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh, một người có thể mắc nhiều lần do nhiễm các tuýp vi rút Dengue khác nhau.
3. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:
- Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
- Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo đặc biệt quần áo có mùi mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
- Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, máng thoát nước mưa bị tắc...Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
4. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán.
- Đau hốc mắt, đau người, các khớp
- Buồn nôn, xuất huyết: dưới da, chảy máu mũi, ra kinh nguyệt bất thường, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu….
5. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cách phòng bệnh tốt nhất:
- Là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước.
+ Vệ sinh cá nhân, phòng ở, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Thay nước bình hoa hàng tuần
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Chúng tôi trên mạng xã hội