Trường Trung Học Cơ Sở Phú MỹPhòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Dầu Một
Hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ 8
Thứ hai - 03/05/2021 10:59
Liên Đội phát động từ ngày 26/4/2021 đến ngày 29/4/2021
Trong tuần lễ từ ngày 26/4/2021 đến ngày 29/4/2021, tại Trường THCS Phú Mỹ đã diễn ra ngày Hội “Hưởng ứng ngày nhà sách VIỆT NAM lần thứ 8”. Tham dự ngày Hội có cô Phạm Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng nhà trường, cùng toàn thể giáo viên và học sinh các khối lớp tham dự. Ngày Hội được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa, khơi dậy lòng yêu sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời học sinh, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ngày hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, nhiều hoạt động bổ ích: Thi xếp sách theo chủ đề, tuyên truyền giới thiệu sách, trưng bày con đường sách ….thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh và giáo viên trong nhà trường. Kết quả đạt được
- Số lượt giáo viên, học sinh tham gia đọc sách tại thư viện: 1640/HS, 87/GV.
- Số giáo viên, học sinh tham gia Ngày Sách Việt Nam do nhà trường tổ chức: 1640/ HS, 87/ GV /sáng, chiều.
Phát động, tổ chức quyên góp sách cho các em có hoàn cảnh khó khăn, các em ở vùng sâu, vùng xa.
- Tổng số sách quyên góp được: 55 Trong đó:
+ Sách giáo khoa: 35 cuốn;
+ Sách bài tập: 20 cuốn;
Sau đây là bài cảm nghỉ của các em : Câu 1: Chia sẻ về một cuốn sách mà anh (chị) yêu thích, một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của anh (chị). Mở đầu bài viết của mình tôi muốn chia sẻ lời phát biểu của một CEO thành đạt: “Giá trị của giáo dục không chỉ dừng lại ở việc cho ta kiến thức, kỹ năng, giáo dục còn làm thay đổi nhận thức, nhân sinh quan, thế giới quan của ta một cách tích cực, giúp ta sống tốt, sống có ích, trở thành con người cao thượng, vị tha, biết nghĩ cho người khác, biết sống vì lợi ích cộng đồng”. Đó quả thật là một lời chia sẻ tâm huyết của một người trải nghiệm trong hành trình được giáo dục và tự giáo dục để thành công. Đối với tôi, đọc sách là con đường tự giáo dục hiệu quả, thú vị. Việc tiếp cận cuốn sách “Hồi ức lính” (tác giả Vũ Công Chiến) đã giúp tôi có được những chiêm nghiệm và đồng tình trên. “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Công Chiến đã kể với tôi về lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc thời hiện đại, về những thăng trầm, hi sinh, mất mát của cha anh đã đi qua cuộc chiến và về những điều khác nữa. Tôi đã đọc được những dòng tâm sự rất thật của tác giả: “Cuộc đời quân ngũ của tôi (Vũ Công Chiến) chỉ có hơn 6 năm, chỉ là một phần của cuộc đời. Thế mà không hiểu sao cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn coi mình là người lính, sống và giữ mãi những phẩm chất tốt đẹp mà mình đã rèn luyện được trong quân ngũ. Quân đội thật đúng là một trường học lớn. Nó rèn luyện con người ta rất khắc nghiệt. Nhưng khi đã vượt qua rồi, tôi thấy mình thêm tin yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái và vị tha hơn, sẵn sàng hi sinh vì người khác”. Những trải nghiệm trên từng trang sách đã giúp tôi hiểu biết về lịch sử, giúp tôi sống có trách nhiệm, biết trân quý những gì được và chưa được của hôm nay, giúp tôi nhận ra và thấu hiểu “điều gì tồn tại điều đó có lí do của nó”. Quyển sách hơn 700 trang, do NXB Trẻ phát hành. Từ bìa quyển sách ta đọc được dòng trần tình của tác giả: “Với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó.” Còn PGS.TS Lưu Khánh Thơ, người viết “Thay lời giới thiệu” đã có những nhận định xác đáng: “Những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Anh tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính.” Riêng tôi, với tư cách bạn đọc, từ quyển sách tôi đã đọc được nhiều câu chuyện có tác động sâu sắc đến bản thân, giúp tôi thay đổi nhận thức, lối sống, thay đổi thái độ ứng xử với con người và cuộc đời. Dưới đây là 2 câu chuyện tôi tâm đắc cùng những cảm nhận mong muốn được chia sẻ khi đọc quyển sách này. Câu chuyện thứ nhất tôi kể nên xem là bi tráng hay bi thương? Cùng là người lính luôn đương đầu giữa cái sống và cái chết như một nghĩa vụ thiêng liêng. Thế nhưng có những người đánh đổi cả vinh quang chỉ vì cứu một mạng người do hủ tục. Đó là câu chuyện của ba người lính trinh sát từ chiến trường Tây nguyên nóng bỏng trước khi chiến tranh chấm dứt. Trong một lần đi trinh sát họ tình cờ vào một chòi vắng giữa chốn rừng sâu bỗng phát hiện một cô gái người dân tộc sống một mình. Qua cuộc trò chuyện với cô, ba người lính biết được cô đang chờ đến ngày chịu sự trừng phạt của dân làng vì cái tội trắng trẻo, xinh đẹp. Sự hồn nhiên và nhẫn chịu phi lý của cô gái đã làm động lòng một trong ba người lính và họ đã đi đến quyết định cứu cô bằng một hành vi bất chấp kỷ luật chiến trường. Lạ là hai chiến sỹ còn lại đã đồng tình và dựng chuyện người đồng đội của mình bị lũ cuốn khi cùng nhận nhiệm vụ đi trinh sát chuẩn bị cho chiến dịch. Kỳ thực họ giúp chàng trai kia cứu cô gái. Điều gì sẽ đến đã đến. Hai chàng trai ấy bị kỷ luật và bị nghi ngờ. Cô gái được người lính cứu khỏi thần chết. Mọi việc dường như lùi vào dĩ vãng buồn thì một ngày nọ hai chàng trinh sát đang làm nhiệm vụ ở một cánh rừng sâu chợt phát hiện một cái chòi nhỏ. Khi ghé vào họ ngạc nhiên phát hiện một gia đình nhỏ vắng người và chủ nhân của gia đình ấy không ai khác chính là người lính nọ do để lại đồ vật có cả đồ trẻ con trong cái ba lô quen thuộc. Có lẽ chàng trai ấy nghe động đã dắt díu vợ con trốn vào rừng. Quá mừng và xúc động hai người lính san sẻ ít gạo muối cùng ít đạn mang theo để lại cho bạn. Đấy là ký ức của người lính được kể lại sau chiến tranh. Còn bao nhiêu chuyện như thế nữa chưa được khai thác. Nên hiểu thế nào đây về sự lựa chọn của người lính năm xưa? Nhiều khi con người buộc phải lựa chọn trước những nghiệt ngã của cuộc sống. Trong trường hợp này tôi không nghĩ tình yêu đôi lứa chiến thắng mà có cái gì còn cao hơn thế. Câu chuyện thứ hai là một góc nhìn nhạy cảm khác. Tác giả nhắc đến một sự kiện rất thường tình của người lính chiến, những xúc cảm trước lúc ra trận. Cách đây nửa thế kỷ, các thế hệ người lính cụ Hồ còn nhắc đến bài tùy bút “Đường chúng ta đi” của Nguyên Ngọc. Cái cảm giác hừng hực, rung động đến nghẹt thở khi người lính trong chiến hào sắp đến giờ nổ súng còn lưu lại trong tâm khảm các anh với bao xúc động cao cả cho đến khi rời quân ngũ. Đó là sự cộng hưởng hào khí của một dân tộc trải qua hàng ngàn năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng trong tác phẩm “Hồi ức lính” này, tác giả Vũ Công Chiến đề cập đến khía cạnh nhân bản. Đó là sự giằng co giữa sự sống và cái chết như một bản năng sinh tồn hơn là ý nghĩ, hành xử của một người lính - công dân. Truyền thống yêu nước của dân tộc luôn đòi hỏi sự xả thân cho Tổ quốc “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vì vậy, cách nghĩ, cách hành xử của người lính đào ngũ trong tâm trạng, suy nghĩ của những người vẫn bám chiến hào được mổ xẻ, so sánh một cách tinh tế, theo chiều hướng nhân bản và để tự nó đặt ra một câu hỏi hơn là lời phê phán lên án. Hãy nghe đoạn tâm sự sau của tác giả cuốn sách khi kể về sự việc này: “Lúc ra chốt, đại đội có tới 40 tay súng. Bây giờ mất tới gần một phần ba quân số, chúng tôi chỉ còn lại 28 người giữ chốt. (…) Trong tôi bỗng trào lên một linh cảm khó tả. Thế là các anh ấy đã bỏ chúng tôi mà đi, ngay trước trận đánh. Cá nhân tôi không dám phán quyết các anh, bởi các anh là những người đi trước chúng tôi. (…). Bây giờ các anh có lí do riêng để phải ra đi, dù là day dứt lương tâm như anh Trọng hay chán chường vì những tháng ngày gian nan, mệt mỏi. Tôi không bao giờ dám nghĩ các anh hèn nhát. Nhưng chúng tôi cũng trách các anh, bởi trận đánh sắp bắt đầu rồi. Các anh đã nỡ bỏ đi, để tự chúng tôi mong manh, yếu ớt trên cả trận địa chốt này. Nếu vì thế mà chúng tôi phải hi sinh tất cả, các anh có ân hận, đau lòng không?” (Trang 558). Theo tôi đây là đoạn văn hay trong “Hồi ức lính”, phản ánh đúng tâm trạng của người lính trước tình huống trớ trêu. Nó gợi lương tri cho người lầm lỡ chứ không gân cổ phỉ báng. Nó nhân văn ở chỗ không xúc phạm đến nhân phẩm của người lính đào ngũ, mà cố tìm lí lẽ biện minh hay đúng hơn là chìa bàn tay nâng đỡ người ta chứ không nỡ dập vùi. Chỉ có điều nếu người ở lại bị hi sinh thì đấy là lời lên án lương tri làm người một cách mạnh mẽ nhất đối với người lính đào ngũ. Trên nền cấu trúc tư duy ngàn đời nay của người nông dân Việt Nam thì lối sống “tình làng nghĩa xóm”, “môi hở răng lạnh” sẽ thực sự ngấm sâu vào suy nghĩ của người lính đào ngũ nên người họ không thể không lay động tâm can, không thể không tỉnh ngộ ý thức. Cách nhìn, cách đánh giá như vậy thật nhân tính vượt qua rào cản của khuôn khổ giáo lí liên quan đến những trường hợp như vậy. Không chỉ trong văn chương mà ngay ngoài đời thật chỉ vài thập niên trước không dễ có cái nhìn như vậy. Đây là một cuốn sách có ích vì thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận đối với hàng loạt sự kiện mà tác giả trải nghiệm trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Đến lúc nào đó, tư tưởng này sẽ giúp cho các nhà văn trẻ thế hệ sau nhìn lại và viết lại về chiến tranh tỉnh táo hơn, khách quan, độ lượng hơn trong mọi biến cố xảy ra với người lính từ những vinh quang đến mất mát, kể cả những yếu đuối, đớn hèn. Câu 2: Nếu được chọn là Đại sứ văn hóa đọc, anh (chị) có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn? Đại sứ văn hóa đọc là cầu nối giữa sách và người đọc. Để thực hiện sứ mệnh này cần có phẩm chất hiếu tri (ham hiểu biết) và có chương trình làm việc khoa học chứ không thể ngẫu hứng. Theo đó cần có lộ trình sau đây: - Tạo mối quan hệ với các nhà phê bình văn học. Đây là kênh quan trọng vì họ là người thường xuyên theo dõi tình hình thời sự về các ấn bản và có kinh nghiệm sàng lọc thông tin. - Theo dõi tình hình thời sự về các lĩnh vực hoạt động xã hội. Đặc biệt lưu ý các tác động xã hội, gia đình đến lĩnh vực giáo dục để kịp thời định hướng cho hoạt động phối hợp giáo dục tư tưởng, xây dựng nhân cách cho học sinh. - Phối hợp với lãnh đạo trường, địa phương và tổ chức đoàn thể để nắm diễn biến các biểu hiện phản ứng, tâm tư của học sinh trước các sự biến cuộc sống. Đấy là cơ sở của việc hoạch định chương trình đọc sách cộng đồng. - Thành lập câu lạc bộ những người đọc sách gồm giáo viên, học sinh và phụ huynh. - Mời diễn giả hoặc phân công một số thành viên đọc sách có chỉ định thông qua tư vấn của các nhà khoa học hoặc nhà văn (trong phạm vi địa phương). - Tổ chức sinh hoạt định kỳ nghe giới thiệu hoặc phê bình, đánh giá từ những người được phân công đọc. Các thành viên nên chất vấn, phản biện khâu tiếp nhận, biến việc đọc, nghe thành hoạt động trao đổi tri thức và rèn kỹ năng phản biện xã hội. - Từ hạt nhân này mở rộng hoạt động trong trường, tiến tới tổ chức thi đọc với các đơn vị khác. Nếu được cần có kế hoạch nhân rộng ra địa phương. Nghĩa là, đưa sách đến với cán bộ lãnh đạo địa phương. Do bận rộn trong công tác sự vụ hành chính, cán bộ sẽ dễ lâm vào tình trạng bão hòa, thậm chí vô cảm. Nếu tiếp xúc với sách văn chương, sẽ dễ lấy lại thăng bằng trong cái nhìn con người và cuộc sống một cách sinh động, tinh tế và đầy nhân văn. - Tổ chức thi đọc hay, nói giỏi giữa các khối lớp. Sử dụng báo tường cho học sinh viết vài dòng cảm nghĩ khi đọc sách. Tất cả phải có tổng kết, đánh giá và khen thưởng. - Nên đưa thêm nội dung đọc sách ở mức độ vừa phải vào các đề thi học kỳ. - Đưa chủ trương đọc thành nghị quyết. - Phải làm theo chủ đề và có thể theo đặt hàng của địa phương. - Nên ưu tiên sách thiên về cuộc sống, con người thuộc 2 đối tượng có tuổi và học sinh tuổi mới lớn. Đối với người có tuổi dễ bị chai lì cảm xúc, dễ làm theo quán tính, thói quen. Nếu tiếp xúc với sách sẽ giúp họ có dịp chiêm nghiệm lại cuộc sống và điều chỉnh cách nghĩ, hành vi. - Cần có trao đổi và viết trong quá trình đọc sách để tránh nghe một chiều, tiếp nhận một chiều. Nếu phối hợp tất cả các hoạt động trên một cách khoa học, có chủ trương từ lãnh đạo và nếu biến chủ trương đọc sách thành văn hóa lan tỏa trong cộng đồng sẽ tạo được sự kết nối giữa các thành phần xã hội. Các thành viên trong gia đình và cả cơ quan trường học sẽ kết nối, chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống để cùng đồng thuận với các chính sách của chính quyền, sức mạnh cộng đồng vì thế sẽ tăng lên. Cuối cùng phải biết bắt đầu từ đâu và đọc gì, đọc như thế nào. Được như thế việc đọc sách sẽ tạo không khí lành mạnh cho môi trường giáo dục cũng như góp phần làm cho xã hội văn minh.
Chúng tôi trên mạng xã hội