Kỹ năng ra quyết định là một hành trang không thể thiếtu trên con đường dẫn đến thành công của mỗi người. Với các em học sinh, việc đưa ra quyết định là một kĩ năng rất cần thiết trong học tập cũng như trong cuộc sống. Ngày 03/01/2025 vừa qua, các em học sinh lớp 7 đã có một tiết học giáo dục Kỹ năng sống cực kì thú vị với sự dẫn dắt của cô Nguyễn Bội Tuyền- GV môn Ngữ văn. Qua tiết kỹ năng sống, học sinh hiểu được kỹ năng ra quyết định là khả năng đưa ra hành động, lời nói, quyết định phù hợp nhất trong một tình huống cụ thể. Quá trình này bao gồm việc tìm hiểu, đánh giá các tùy chọn có sẵn và chọn lựa chúng dựa trên một số tiêu chí nhất định. Nó cũng liên quan đến khả năng quyết định trong thời gian ngắn, chính xác và hiệu quả.
Qua tiết học học sinh còn nắm được 07 bước của kỹ năng ra quyết định.
Bước 1: Xác định vấn đề
Xác định vấn đề giúp chúng ta hiểu rõ về những yếu tố quan trọng, vấn đề hiện tại là gì, giải quyết nhằm mục đích gì. Việc xác định vấn đề giúp tập trung vào vấn đề cốt lõi và loại bỏ các yếu tố không quan trọng. Nó cũng giúp chúng ta đưa ra các giải pháp và quyết định phù hợp với tình huống đang đối mặt.
Bước 2: Nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh
Nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh giúp hiểu rõ hơn về tình huống, phân tích vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, mặt lợi, mặt hại, từ đó có thể đưa ra quyết định dựa trên thông tin toàn diện hơn. Điều này giúp các quyết định đưa ra có tính nhất quán và khách quan.
Bước 3: Đưa ra các phương án phù hợp
Đưa ra các phương án khác nhau giúp chúng ta có nhiều sự lựa chọn và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần đảm bảo đặt ra một số tiêu chuẩn cụ thể nhằm tiết kiệm thời gian cũng như không có quá nhiều phương án gây nhiễu loạn. Hỗ trợ việc tìm ra phương án cuối cùng phù hợp và tốt nhất để đáp ứng các mục tiêu, giải quyết vấn đề.
Bước 4: Phân tích ưu - nhược điểm
Việc phân tích ưu nhược điểm giúp hiểu rõ hơn về các lợi ích và hạn chế của từng phương án. Điều này hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên thông tin toàn diện hơn, đảm bảo tính hợp lý và khả thi. Đồng thời hỗ trợ quá trình đánh giá các rủi ro, hạn chế những vấn đề không cần thiết khác.
Bước 5: Ra quyết định
Xem xét tất cả các thông tin và yếu tố quan trọng đã được thu thập và phân tích để đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn nhất. Một điểm quan trọng cần lưu ý khi đưa ra quyết định là không có một phương án nào là hoàn hảo. Do đó nên đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên thông tin và tình huống hiện tại. Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh kế hoạch thực hiện theo thời gian và điều kiện mới.
Bước 6: Triển khai
Khi triển khai quyết định, cần thống nhất các hành động thực hiện, thời gian và người chịu trách nhiệm. Việc phân chia ra rõ ràng từng nhiệm vụ, trách nhiệm giúp các thành viên biết mình cần hoàn thành công việc gì, chịu trách nhiệm gì, từ đó tăng cường khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Bước 7: Giám sát, đo lường và đánh giá
Giám sát và đánh giá tiến độ triển khai để đảm bảo rằng quyết định đạt được kết quả như mong đợi. Cần đưa ra những nhìn nhận khách quan xem phương hướng đó có đi đúng hay không, nếu cần thiết, có thể thay đổi kế hoạch thực hiện để đáp ứng tình huống.
Một số hình ảnh của buổi học:
Thông qua tiết học, các em học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng ra quyết định trong cuộc sống và trực tiếp trải nghiệm các tình huống ra quyết định ở các vấn đề thường gặp khi học trên lớp cũng như sinh hoạt tại nhà. Từ đó, các em sẽ trở nên trở nên tự tin với những quyết định của bản thân và dần hoàn thiện bản thân mình hơn.
(Tin bài có tham khảo nội dung của kỹ năng ra quyết định tại website https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/ky-nang-ra-quyet-dinh)
Chúng tôi trên mạng xã hội